Trang Thông tin điện tử

xã Hồi Ninh - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 29/04/2024

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Miếu làng Tuân Hóa

Thứ hai, 16/10/2023

TÓM TẮT LÝ LỊCH MIẾU TUÂN HÓA

Làng Tuân Hóa, xã Hồi Ninh

PHẦN I: TÊN GỌI CỦA DI TÍCH

Di tích có tên gọi là miếu Tuân Hóa, vì miếu được xây dựng và phát triển ở địa phận làng Tuân Hóa. Nhân dân lấy tên làng đặt cho di tích, tên gọi này không thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Miếu là tên gọi quen thuộc ở vùng biển Kim Sơn, giống như đền ở nơi khác.

PHẦN II: ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

1. Địa điểm phân bố[1].

Miếu Tuân Hóa hiện nay nằm ở địa phận làng Tuân Hóa thuộc xóm 4, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

2. Đường đi đến di tích:

2.1. Đường bộ: Từ thành phố Ninh Bình theo quốc lộ 10 đi Kim Sơn khoảng 23km, đến địa phận xã Ân Hòa, rẽ trái theo đường trục liên xã thuộc Tiểu khu I khoảng 2 km vào xã Hồi Ninh, đến cầu vào làng Tuân Hóa, rẽ trái, đi tiếp khoảng 1,5km đến miếu Tuân Hóa.

2.2. Đường thủy: Từ sông Đáy ở thành phố Ninh Bình có thể xuôi thẳng ra phía biển khoảng 20km, tới ngã ba gặp sông Ân, rẽ phải đi theo sông Ân khoảng 4km,  rẽ vào sông Hồi Thuần khoảng 1km là đến di tích.

Nhìn chung, các tuyến đường đến di tích đều thuận tiện.

PHẦN III. PHÂN LOẠI DI TÍCH

Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị của di tích; căn cứ các tiêu chí xếp hạng di tích quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, có thể xác định miếu Tuân Hóa thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa.

PHẦN IV: SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

1. Nhân vật thờ cúng tại miếu Tuân Hóa.

1.1. Nhân vật Hải Tề Long Vương.

Theo truyền lại, vị thần Hải Tề Long Vương ở miếu Tuân Hóa hiện nay được rước chân hương từ đền thờ thôn Đỗ, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1996) về thờ từ khi xây dựng miếu.

Theo thần tích về nhân vật Hải Tề Long Vương được sao chép từ đền thôn Phạm, xã Phúc Nhạc, huyện Yên Khánh ngày 13 tháng 12 niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895): Ta vốn xuất phát từ dòng dõi Hồng Vương, sinh ở biển Đông. Ngày 12 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), giông tố lốc xoáy như trút dội sóng dữ cuồn cuộn, thần theo con người hưởng, đến năm Hồng Đức thứ 8 (1477) thần lại quay về biển Đông. Xã dân mộng biết được nên tặng hiệu cho thần là Khiển Quy Hải Tề Long Vương, cùng với Đông Hải Long và Hải Long đều là một tên cả.

Như vậy, có thể nói HảiTề Long Vương là một vị thiên thần. Khi nhân dân đến khai hoang vùng đất biển nơi đây, cuộc sống thuở ban đầu còn gặp nhiều gian truân, thách thức, họ cầu cứu một vị thần bảo vệ cho mình, cho cuộc sống tốt lành và vị “vua nước” được thờ ở đây là điều dễ hiểu.

Miếu Tuân Hóa thờ ông với vai trò là một vị thành hoàng làng, vị vua tinh thần, phù giúp nhân dân trong cuộc sống.

1.2. Các nhân vật thờ cúng khác:

- Thờ Quan Văn, Quan Võ;

- Thờ Quan Bản thổ;

- Thờ Công đồng.

2. Sự kiện liên quan đến di tích

2.1. Quá trình hình thành và trùng tu, tôn tạo di tích

Qua lời kể của các cụ cao niên trong làng thì di tích được hoàn thành năm Quý Sửu đời vua Tự Đức thứ 6 (1853), lúc đầu di tích được xây dựng đơn sơ và quy mô nhỏ gọn, về sau được nhân dân tu bổ, nâng cấp khang trang hơn.

Trong những năm gần đây, di tích được nhân dân quan tâm tôn tạo để ngày thêm khang trang, sạch đẹp. Những lần tu sửa gần đây:

Năm 1998: Xây dựng nhà khách (nhà giải vũ).

Năm 2005: Lát nền di tích.

Năm 2011: Trùng tu lớn, xây lại Tiền đường thành 5 gian.

Năm 2016: Xây cổng, cột đồng trụ.

2.2. Di tích trong các thời kỳ kháng chiến:

Người dân Tuân Hóa, xã Hồi Ninh vốn có truyền thống yêu nước, tình thần đấu tranh bất khuất chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai nên khi thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình, nhân dân địa phương đã tham gia và ủng hộ phong trào kháng Pháp. Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh chống Pháp của những văn thân yêu nước, phong trào đấu tranh chống sưu thuế của phát xít Nhật (1944). Có thể nói, những cuộc đấu tranh trên chính là tiền đề, là cơ sở cho những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc rất sôi nổi, mạnh mẽ trong thời gian sau.

Có thể nói, miếu Tuân Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là sợi chỉ đỏ cách mạng, góp phần quan trọng giải phóng xã Hoàng Thám khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Sau này, địa điểm miếu tiếp tục được nhân dân tu sửa vừa là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Tất cả những sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích là chứng cứ lịch sử sinh động khẳng định hơn nữa giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.

2.3. Di tích trong thời kỳ hòa bình:

Trong thời kỳ đất nước hòa bình, kinh tế ổn định, phát triển, miếu Tuân Hóa ngày càng giữ vị trí quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng, là cầu nối để đưa con em xa hương trở về với quê cha đất tổ.

PHẦN V: GIÁ TRỊ CỦA DI  TÍCH

Di tích được xây dựng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã diễn ra từ thế kỷ XIX.

Tìm hiểu về di tích, chúng ta có dịp tìm hiểu về truyền thống cách mạng của vùng đất có di tích. Làng Tuân Hóa nói riêng và xã Hồi Ninh nói chung là đơn vị có nhiều thành tích, đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Làng Tuân Hóa có 24 liệt sỹ hy sinh trong các cuộc kháng chiến (10 liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, 14 liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ), cống hiến một phần xương máu cho độc lập Tổ quốc, 02 bà mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Trần Thị Biên và mẹ Trần Thị Vọng).

Công trình kiến trúc miếu Tuân Hóa được xây dựng trên một khuôn viên rộng gồm các hạng mục: cổng, sân vườn, miếu, nhà giải vũ. Miếu Tuân Hóa được xây dựng hơn 100 năm, tại miếu còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự quý như sắc phong của các triều đại nhà Nguyễn, mũ thờ, bài vị, bát hương, nhang án, khám thờ… Điều này thể hiện ý thức cao trong việc giữ gìn những di sản văn hóa của người dân địa phương. Đó là những nguồn sử liệu quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu về quá trình hình thành, tồn tại của di tích. Từ lâu, di tích đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng, ngoài ra di tích còn có giá trị tinh thần rất lớn thể hiện sự tri ân, tấm lòng thành kính của nhân dân đối với những bậc tiền nhân và những vị thần linh có công phù giúp nhân dân, góp phần giáo dục các thế hệ đời sau về truyền thống, nền nếp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

VI. KẾT LUẬN

Xuất phát từ những giá trị của di tích, thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân xã Hồi Ninh, căn cứ Tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn tại văn bản số 43/TTr-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2018 về việc xếp hạng di tích miếu Tuân Hóa, xã Hồi Ninh; Căn cứ vào những giá trị khoa học, lịch sử của di tích, phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hoá và Thể thao) phối hợp với địa phương lập hồ sơ khoa học, trân trọng đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt xếp hạng di tích cấp tỉnh - tỉnh Ninh Bình xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng miếu Tuân Hóa, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

         

 

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 42195

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 5