Trang Thông tin điện tử

xã Hồi Ninh - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 28/04/2024

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh miếu làng Hồi Thuần

Thứ hai, 16/10/2023

Miếu làng Hồi Thuần hiện nay nằm ở địa phận làng Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Trước năm 1829, khi chưa khai hoang thì nơi đây còn là một vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với hơn 3000 mẫu, cỏ cây mọc um tùm. Năm 1829 khi quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ về đây chiêu mộ dân chúng, khai hoang lập ấp, lập nên huyện Kim Sơn. Trong đó Hồi Ninh là một trong những xã được thành lập đầu tiên ở huyện Kim Sơn.  

Khi mới thành lập, xã Hồi Ninh ngày nay thuộc tổng Hồi Thuần, huyện Kim Sơn, phủ Yên Khánh, trấn Ninh Bình[1] với 2 ấp và 4 trại: ấp Dưỡng Điềm, ấp Hồi Thuần, trại Đạo Củ, trại Dĩ Ninh, trại Đồng Nhân, trại Tuân Hóa. Làng Hồi Thuần ban đầu gọi là ấp Hồi Thuần do cụ Phạm Tồn (Pháp Minh) chiêu mộ với khoảng 670 nhân khẩu và 30 đinh, gia đình của các dòng họ: Phạm, Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ, Vũ, Bùi và sau này là họ Cao. Hiện nay làng Hồi Thuần có khoảng trên 400 hộ, khoảng 2000 nhân khẩu. Làng Hồi Thuần chạy dài nam bắc trên 7km, chiều ngang 180m, phía bắc giáp xã Khánh Thủy (Yên Khánh), phía đông giáp sông làng Tuân Hóa, phía tây giáp xã Kim Định, phía nam giáp sông Đáy, làng có trục đường chính dài 7km chạy suốt từ trại giống huyện Yên Khánh xuống giáp sông Đáy. Làng Hồi Thuần gồm 5 xóm: xóm 1,2,3 và một phần của xóm 10, xóm 13.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính trong cả nước. Vua Minh Mệnh quyết định đổi trấn thành tỉnh, trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh Ninh Bình[2]. Tên gọi các làng, xã, tổng, huyện không thay đổi[3].

Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1946, huyện Kim Sơn đổi tên các đơn vị hành chính, xóa bỏ tên tổng, thành lập tiểu khu và các xã. Xã Hồi Ninh lúc này có tên là Hoàng Thám gồm các làng Dĩ Ninh, Đạo Củ, Dưỡng Điềm, Đồng Nhân, Tuân Hóa và Hồi Thuần.

Năm 1964, thực hiện Quyết định số 199-QĐ/NV ngày 22/7/1964 của Bộ Nội vụ, huyện Kim Sơn đổi tên 17 xã, trong đó, xã Hoàng Thám đổi thành xã Hồi Ninh.

Năm 1976, hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà thành một tỉnh lấy tên là Hà Nam Ninh. Di tích thuộc xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh.

Năm 1977, 9 xã phía Nam huyện Yên Khánh được sáp nhập vào huyện Kim Sơn, lúc này xã Hồi Ninh sáp nhập với xã Chất Bình thành xã Kim Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh.

Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, di tích thuộc xã Kim Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1994, 9 xã phía Nam huyện Yên Khánh tách khỏi huyện Kim Sơn, đồng thời tách xã Kim Bình thành xã Hồi Ninh và xã Chất Bình, di tích thuộc xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Xã Hồi Ninh hiện nay nằm ở phía Đông Bắc huyện Kim Sơn, cách trung tâm huyện trên 7km về phía Tây. Phía Bắc giáp xã Khánh Nhạc, Khánh Thủy huyện Yên Khánh, phía Nam giáp sông Đáy bên kia là huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định, phía Đông giáp xã Chất Bình, phía Nam giáp xã Kim Định. Hồi Ninh gồm 6 thôn: Dĩ Ninh, Đạo Củ, Dưỡng Điềm, Đông Nhân, Tuân Hóa, Hồi Thuần, được chia thành 12 xóm.

Hiện tại, xã Hồi Ninh có diện tích tự nhiên là 524ha[4], dân số 6.511 người, trong đó tỷ lệ đồng bào theo đạo Công giáo chiếm trên 50%. Nghề chính của nhân dân là làm nông nghiệp. Ngoài ra, có các nghề phụ khác như đánh bắt tôm cá, chăn nuôi, chế biến đay, cói và buôn bán nhỏ.

Hồi Ninh có hệ thống giao thông thủy, bộ khá thuận lợi. Ngoài sông Ân chạy ngang xã còn có 4 sông chạy dọc[5] và một hệ thống sông nhỏ chằng chịt rất có lợi thế trong canh tác.

2. Đường đi đến di tích:

2.1. Đường bộ: Từ thành phố Ninh Bình theo quốc lộ 10 đi Kim Sơn khoảng 23km, đến địa phận xã Ân Hòa, rẽ trái theo đường trục liên xã thuộc Tiểu khu I khoảng 2 km vào xã Hồi Ninh, đến cầu vào làng Hồi Thuần, đi thẳng khoảng 2km là đến di tích.

2.2. Đường thủy: Từ sông Đáy ở thành phố Ninh Bình có thể xuôi thẳng ra phía biển khoảng 20km, tới ngã ba gặp sông Ân, rẽ phải đi theo sông Ân khoảng 4km,  rẽ vào sông Hồi Thuần khoảng 2km là đến di tích.

Nhìn chung, các tuyến đường đến di tích đều thuận tiện.

                                                             

Miếu làng Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

PHẦN III. PHÂN LOẠI DI TÍCH

Miếu làng Hồi Thuần là nơi thờ cúng, tưởng niệm thần Hải Tề Long Vương, nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương, liên quan đến sự tích “con rồng cháu tiên”, nhân dân tôn thờ ông như vị thành hoàng làng, có công phù giúp nhân dân tăng gia sản xuất, mở rộng đất đai, xây dựng cuộc sống yên ổn thanh bình. Đồng thời, di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm chiêu mộ Phạm Tồn, người có công đầu giúp Nguyễn Công Trứ khai hoang lấn biển, lập ấp Hồi Thuần và các nguyên mộ, thứ mộ được cụ Phạm Tồn tuyển chọn, phân nhiệm thực hiện khai hoang lập ấp. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, di tích là một trong những căn cứ bí mật của cách mạng, nuôi giấu cán bộ, trung chuyển thông tin liên lạc.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị của di tích; căn cứ các tiêu chí xếp hạng di tích quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, có thể xác định miếu làng Hồi Thuần thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa.

PHẦN IV: SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

1. Nhân vật thờ cúng tại Miếu làng Hồi Thuần.

1.1. Nhân vật Hải Tề Long Vương.

Theo truyền lại, vị thần Hải Tề Long Vương ở miếu làng Hồi Thuần hiện nay được rước chân hương từ đền thờ thôn Đỗ, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1996) về thờ từ khi xây dựng miếu.

Căn cứ theo lý lịch di tích đền thôn Đỗ[6], lý lịch di tích đền thôn Đồng[7], thôn Phạm[8], huyện Yên Khánh và lý lịch đình làng Tức Hiêu[9], huyện Kim Sơn thì vị thần Hải Tề Long Vương là nhân vật huyền thoại liên quan đến thời Hùng Vương với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai khỏe mạnh, tuấn tú. Long Quân hay Hải Tề Long Vương đều có hàm ý chỉ về một vị vua thống trị miền sông nước. Trong tiềm thức của cư dân Việt, ngài là vị thần biển, thần nước luôn che chở, bảo vệ thành quả lao động của nhân dân nói chung và của cư dân miền biển nói riêng.

Theo lý lịch di tích miếu Tuần Lễ[10], xã Như Hòa, huyện Kim Sơn: Ngày xưa có hai gia đình ở gần bờ biển, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chuyên nghề đánh bắt cá, tôm để sinh sống. Hai nhà láng giềng trở thành đôi bạn thân thiết, cùng nhau trung sức, đùm bọc lẫn nhau. Theo thường lệ, ngày nào cũng vậy, cơm nước xong cùng nhau đem ngư cụ ra bãi biển làm nghề.

          Một hôm, đang lúc đánh bắt bỗng nhìn thấy xa xa có một vật bằng gỗ trôi bập bềnh trên mặt nước, từ từ trôi đến chỗ hai người. Họ vớt lên xem có thấy một dòng chữ vàng óng ánh như vàng, biết đó là thần bài, họ trân trọng đặt thần bài lên gò đất rồi lạy tạ, khấn vái cầu thần ủng hộ gặp mọi sự may mắn. Lễ xong họ lại tiếp tục đánh bắt cá, tôm. Từ đấy mẻ lưới nào cũng được rất nhiều tôm cá, chẳng mấy chốc đã nặng gánh. Trước khi ra về, họ lên gò vái tạ mong ngài âm phù cho được như ý sở nguyện. Sớm mai, sửa lễ ra tạ thần linh. Về sau, ngày nào cũng vậy, họ khấn thần trước khi đi đánh bắt, chiều nào họ cũng nặng gánh trở về. Dân làng nghe biết tin ấy, tìm đến kêu cầu thấy linh nghiệm, bởi vậy, người về lễ bái ngày một đông. Nhân dân cùng nhau tự nguyện bỏ công, của xây dựng một ngôi miếu nhỏ ở ngay trên gò. Tiếng lành đồn xa nhiều người biết tới.

          Cách đây mấy năm trước kia ở xứ Man Cốc, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, miền hạ Nam Định có ngôi miếu cổ ở ngay ven sông, một năm gặp mưa to, bão lớn, nước biển tràn vào trong miếu thần bài bị nước cuốn trôi không tìm thấy. Khi nghe được tin dân ở ven biển Ninh Bình, huyện Yên Khánh vớt được một thần bài trôi ở bãi biển, đem lên lập miếu thờ, cầu khấn rất linh nghiệm. Dân Man Cốc cử người đến dò hỏi đích thực là thế, trở về báo với dân làng.

          Sau đó họ chuẩn bị thuyền bè và các vận dụng cần thiết cho vượt biển vào bãi, chờ lúc đêm tối vắng vẻ lẻn vào trong miếu mật tấu thần linh, rước trộm thần bài xuống thuyền vượt biển trở về làng cũ. Sáng dân làng ở đây (Phúc Nhạc – Yên Khánh, nay là Khánh Nhạc, Yên Khánh), thấy mất thần bài, hỏi han tìm kiếm khắp nơi không rõ. Mãi về sau mới biết người xứ Man Cốc đã lẻn vào lấy trộm thần bài mang về. Nghe được tin ấy mọi người đều hối hận không trông giữ cẩn thận.    

Dân làng tập hợp bàn tính, cử hai người tuổi ngoại ngũ tuần đi Man Cốc để xem lại thần vị về làm để thờ phụng cho nghiêm trang. Đêm ấy, trong lúc họ đang ngủ say, một người được thần báo mộng, trong mộng thấy một lực sĩ đến tuyên triệu rằng: Đại vương có lệnh vời, người đó chỉnh đốn khăn áo ra đi, đến nơi đứng chờ ở dưới thềm, lát sau có lệnh truyền từ trong miếu vọng ra cho được lên thềm chờ lệnh: Các ngươi có công vượt ngòi nước tới đây ta đã chứng giám tấm lòng ngưỡng mộ của dân sở tại, ta rất vừa lòng, nay ta ban cho duệ hiệu để về phụng sự. Ta là Long Vương thường đi du ngoạn khắp miền biển đông, nhân lúc thư nhàn, cưỡi sóng du lãm tới bờ biển thuộc làng các ngươi, nhân dân tỏ lòng tôn kính, đã bao năm hương khói phụng thờ, nay lại tìm đến nơi đây ghi chép thần thụy của ta để minh tự điển, ngươi nên ghi tạ lời ta, trở về báo với nhân dân trong vùng, cứ y như cũ phụng sự, ta sẽ sai sứ giả coi sóc thường xuyên, bất kỳ lúc nào ta sẽ qua lại trừ tai họa, không để phụ tấm lòng sùng kính của dân. Từ nay mỗi khi tế bái thấy nổi gió giông đó là xứ giả của ta đã hồi hoàn. Nghe vừa dứt lời, thì được ban lộc trầu cau. Người ấy đang muốn tâu trình thì lực sỹ đã giãn ra khỏi cửa khuyết. Lúc ấy giật mình thức giấc, mới biết mình vừa qua cơn thần mộng, vội vàng ngồi dậy lấy giấy bút ghi sự việc thần vừa báo, trở về thuật lại với mọi người trong làng. Từ đấy, dân y theo thần mộng phục chế thần bài, bốn mùa hương khói. Thần vị ghi: “Hải Tề Long Vương diệu hiệu chính thần’’.

Theo thần tích về nhân vật Hải Tề Long Vương được sao chép từ đền thôn Phạm, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh ngày 13 tháng 12 niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895): Ta vốn xuất phát từ dòng dõi Hồng Vương, sinh ở biển Đông. Ngày 12 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), giông tố lốc xoáy như trút dội sóng dữ cuồn cuộn, thần theo con người hưởng, đến năm Hồng Đức thứ 8 (1477) thần lại quay về biển Đông. Xã dân mộng biết được nên tặng hiệu cho thần là Khiển Quy Hải Tề Long Vương, cùng với Đông Hải Long và Hải Long đều là một tên cả.

Như vậy, có thể nói Hải Tề Long Vương là một vị thiên thần. Khi nhân dân đến khai hoang vùng đất biển nơi đây, cuộc sống thuở ban đầu còn gặp nhiều gian truân, thách thức, họ cầu cứu một vị thần bảo vệ cho mình, cho cuộc sống tốt lành và vị “vua nước” được thờ ở đây là điều dễ hiểu.

Theo sự phân bố của địa hình tự nhiên, thường ở các vùng cao, nhân dân thờ vị thần núi như Tản Viên, Quý Minh, theo truyền thuyết “con rồng cháu tiên” thì đó là “Tiên”, còn miền ven biển thường thờ các vị thần liên quan đến sông nước như Hải Tề Long Vương đó là “Rồng”. Hiện nay, chỉ còn một số nơi vùng đồng bằng ven biển thờ vị thần này, ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (xã giáp ranh với xã Kim Định) có tới ba thôn lập đền thờ ông: thôn Đỗ, thôn Đồng, thôn Phạm; ở huyện Kim Sơn có miếu Tuần Lễ, xã Như Hòa và đình làng Tức Hiêu, xã Kim Định thờ vị thần này. Miếu làng Hồi Thuần thờ ông với vai trò là một vị thành hoàng làng, vị vua tinh thần, phù giúp nhân dân trong cuộc sống.

Theo bài vị hiện còn lưu giữ tại miếu, thần từng được ban tặng các mỹ tự Hiển ứng Hộ quốc An dân Bác trạch Hồng ân Chiêu cảm Tế thế Trấn quốc Cương nghị Dực thánh Uy linh Trợ thuận Thùy hưu Tích hỗ Phổ hóa Tuy hiến Dực thánh Phù vận Khang dân Hoằng độ Long huân Cách trạch Hoành mô Vỹ liệt Phong công Hậu đức Chí nhân Gia phong Tế độ Tĩnh mục Quảng lợi[11]. Như vậy, có thể hiểu, đây là vị thần rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân.

1.2. Chiêu mộ Phạm Tồ

Chiêu mộ Phạm Tồn sinh năm 1762, nguyên quán ở xã Trà Lũ (hay còn gọi là xã Ấp Lũ), huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đây là vùng quê trù phú, người dân ham học, nhiều người đỗ đạt.

Ngày ấy, vùng đất Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn còn là bãi đất hoang vu, chưa có người sinh sống. Được Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ phân nhiệm, chiêu mộ Phạm Tồn cùng các cụ nguyên, thứ mộ đã gia công khai khẩn đất hoang, trồng trọt chăn nuôi, lập nên ấp Hồi Thuần vào thế kỷ XIX.

Đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc khai hoang, phục hóa, mở rộng đất đai, đã tiến hành nhiều chính sách khai hoang đem lại kết quả tốt đẹp, diện tích ruộng đất thực trưng tăng lên nhiều. Chính sách khai hoang quan trọng nhất là thực hiện hình thức doanh điền, được tổ chức thực hiện theo đề xuất của Tham tán quân vụ Bắc thành Nguyễn Công Trứ từ năm 1828 dưới thời vua Minh Mệnh. Đây là hình thức triều đình và nhân dân cùng kết hợp khai hoang, thực hiện di dân để lập ấp mới. Cách thức thực hiện như sau: nhà nước bỏ vốn ban đầu và cử một quan chức đứng ra chiêu mộ, chỉ đạo dân chúng đưa đi khai hoang, đồng thời khuyến khích nhân dân tự do khai hoang kết hợp phục hóa. Qua hàng loạt chính sách khuyến khích khẩn hoang, đất nước dần đi vào ổn định, làng xóm được phục hồi, đồng ruộng được mở rộng, dân số tăng lên.

Doanh điền Nguyễn Công Trứ đã trực tiếp chỉ đạo, chiêu mộ quan, quân và nhân dân thực hiện khai hoang, lấn biển, mở rộng diện tích đất đai ở vùng Kim Sơn. Với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân và sự tận tình, tích cực của các chiêu mộ, nguyên mộ, vùng đất ven biển hoang vu, lầy lội Kim Sơn đã dần dần biến thành những làng ấp trù mật, phì nhiêu. Tận dụng lợi thế của vùng đất ven biển, cụ Doanh điền cùng các cụ chiêu mộ, thứ mộ đã giúp nhân dân phát triển các nghề biển như làm muối, đánh cá, trồng cói… góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời tăng cường bảo vệ, giữ gìn vùng ven biển của đất nước.

Công cuộc khẩn hoang đòi hỏi phải thực hiện rất khẩn trương trong điều kiện khó khăn, vất vả, thời tiết khắc nghiệt, nước mặn, đói rét, lương thực, thực phẩm thiếu thốn, ở một số nơi, phải mất tới bốn, năm năm, trải qua ba, bốn đời chiêu mộ mới thành lập được trại, ấp[12]. Gia phả họ Phạm, thôn Chất Thành ghi: “Lúc đầu mới đến muỗi như sấm, cỏ lau, cỏ lác mọc đầy đất, sóng cát liền trời...”. Ở Yên Lộc, nhân dân còn truyền lại câu chuyện: Khi mới đến cuộc sống của người dân khai hoang còn gặp nhiều khó khăn mà đồng cày cấy lại xa. Ban ngày đi làm, tối về không thể mang theo công cụ được, nên mỗi buổi tối làm việc xong lại tập trung công cụ để một nơi quy định, nơi đó có tên là “xóm Cào” nay là xóm 11. Theo tờ trình của các lý, ấp, trại trong toàn huyện vào năm 1830 có ghi lại: “Kim Sơn ta nguyên trước là dải đất Duyên Hải hoang hóa, khí nước rất mặn. Lúc mới khai khẩn công cuộc vô cùng gian khổ, dân mộ đến trước mắt chưa thấy gì. Nhân dân phần nhiều bỏ đi, chúng tôi lại tiến hành mộ thêm bổ sung vào. Từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) bắt đầu tạm thành ruộng[13], trải qua những gian nan vất vả các chiêu, nguyên, thứ, tân mộ đã cùng các cụ khẩn hoang được một vùng đất rộng lớn”.

Căn cứ đặc điểm vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có địa hình thấp dần từ tây Bắc xuống Đông Nam, phía Tây Bắc giáp với huyện Yên Khánh, Yên Mô đất cao hơn và ít mặn, phía Đông Nam giáp với sông Đáy và biển thì độ chua mặn đậm đặc hơn, Doanh điền Nguyễn Công Trứ cùng các chiêu mộ đã bố trí, sắp xếp cho quan quân thực hiện khai hoang, mở đất, thành lập các làng nghề khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ông thực hiện chia các làng theo số dân đinh mộ được ban đầu, ai mộ được nhiều dân đinh thì chia làng bề ngang rộng hơn, làng ít dân đinh thì hẹp hơn.

          Bài Kim Sơn sự tích doanh điền ca có đoạn:

                                      Ai mà mộ được mười tên

                                Lập làm một giáp nhận điền dư trăm.

                                      Ai mà mộ được mười lăm

                                Lập làm một trại chiếu tinh quân điền.

                                      Ai mà mộ được ba mươi

                                Lập làm một ấp để truyền hậu lai.

                                      Ai mà mộ được năm mươi

                                Lập làm một lý khen tài đảm đang.

Chính sách của nhà nước bấy giờ là giao cho các chiêu mộ chịu trách nhiệm trước nhà nước về công cuộc khai hoang, trực tiếp tổ chức điều hành công việc khẩn hoang ở từng lý, ấp, trại, giáp. Ngoài ra chiêu mộ cũng chịu trách nhiệm một phần trong kinh phí khai hoang, nhà nước chỉ cấp một phần. Các khoản chi cấp nhà nước không phát tiền mà trực tiếp phát bằng hiện vật cho người khai hoang: “Cứ 5 người thì cấp 1 con trâu, 1 cái bừa, 1 cái cày, 1 cái móng, 1 cái cuốc, 1 cái liềm, sức các ông chiêu mộ lĩnh về cấp phát”.

Hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương khuyến khích khai hoang của nhà Nguyễn, chiêu mộ Phạm Tồn cùng với Thủy tổ của các dòng họ đã vận động, chiêu tập dân nghèo thực hiện công cuộc khai hoang lấn biển tại vùng đất Hồi Thuần. Cụ Phạm Tồn có công chiêu mộ nhân dân, đủ số dân quy định một ấp, lập nên ấp Hồi Thuần có chiều ngang đều là 4 đạc (240m). Hiện nay, tại miếu Hồi Thuần có đặt bài vị cụ chiêu mộ ở gian bên trái Trung đường (nhìn từ ngoài vào).

Như vậy, với dân, với nước, chiêu mộ Phạm Tồn là người có công chiêu dân, khai hoang, lấn biển, lập làng, lập ấp. Cũng là thực hiện chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn lúc đó, mở mang bờ cõi, góp phần xây dựng quê hương trù phú, theo đúng tinh thần bản điều trần của Nguyễn Công Trứ gửi vua Minh Mệnh “Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo.”

Không có tư liệu nào nói về năm mất của chiêu mộ Phạm Tồn, nhân dân từ xưa đến nay giỗ cụ vào ngày mùng 3 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Hiện nay, tại đền thờ Nguyễn Công Trứ (di tích cấp quốc gia xếp hạng năm 1991) có ban thờ các vị chiêu mộ đã theo Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai hoang lấn biển, lập làng, lập ấp trong đó nói đến ấp Hồi Thuần là chiêu mộ Phạm Tồn, quê ở xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tại đây còn khắc bia đá tên của các vị chiêu mộ trong đó có chiêu mộ Phạm Tồn.

1.3. Các nhân vật thờ cúng khác:

- Thờ nguyên mộ, thứ mộ: cụ Phạm Hậu Năng, Phạm Viết Thành. Các vị nguyên mộ là những người đến khai khẩn đất hoang từ những ngày đầu. Sự kiên trì bám trụ của họ là cơ sở rất quan trọng dẫn đến sự thành công của việc khẩn hoang. Các vị thứ mộ là những người đến sau các vị nguyên mộ, họ là lực lượng trực tiếp khẩn hoang nên cũng đóng vai trò quan trọng đưa đến sự thành công của công cuộc khẩn hoang.

- Thờ Quan Bản thổ: Bài vị của thần nguyên được ban tặng các mỹ tự là Dực bảo Trung hưng Linh phù Hậu thổ Tôn thần.

- Thờ Công đồng.

5. Sự kiện liên quan đến di tích

5.1. Quá trình hình thành và trùng tu, tôn tạo di tích

Miếu làng Hồi Thuần là do cụ chiêu mộ Phạm Tồn và các vị nguyên, thứ mộ xây dựng, ban đầu là một miếu nhỏ, làm nơi thờ thần Hải Tề Long Vương, suy tôn làm thành hoàng làng. Khi đến khai khẩn vùng đất này, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã thiết lập nên một đời sống tinh thần ổn định cho nhân dân, để họ yên tâm sinh sống trên mảnh đất mới, xây dựng quê hương ngày một trù phú, phát triển. Sau này, các thế hệ con em Hồi Thuần mở mang, tôn tạo miếu và đưa chân linh, bài vị các vị chiêu, nguyên, thứ mộ về thờ phụng.

Theo các cụ cao niên kể lại, di tích được xây dựng năm Bính Ngọ, đời vua Thiệu Trị thứ 6 (1846), lúc đầu di tích được xây dựng đơn sơ và quy mô nhỏ gọn, về sau được nhân dân tu bổ, nâng cấp khang trang hơn. Sắc phong sớm nhất còn lưu giữ tại miếu đề ngày 12 tháng Giêng niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853).                     

Trải qua bao biến đổi về thời gian, ảnh hưởng của thiên nhiên, chiến tranh, miếu làng Hồi Thuần đã được chính quyền và nhân dân địa phương tu sửa nhiều lần. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đã đầu tư công sức và tiền của để tu bổ, tôn tạo lại di tích, tạo cho cảnh quan di tích ngày một khang trang hơn, góp phần giáo dục truyền thống quê hương và đáp ứng nhu cầu tâm linh cho nhân dân trong vùng. Những lần tu sửa gần đây:

Năm 1906: Trùng tu Tiền đường.

Năm 1970: Xây lại Tiền đường, Trung đường.

Năm 1989: Tu sửa Hậu cung.

Năm 1997: Xây dựng 4 gian nhà khách.

Năm 2000: Nâng nền, trát lại tường Hậu cung.

Năm 2010: Xây lại Hậu cung.

Năm 2015: Trùng tu lại Tiền đường, Trung đường.

Năm 2016: Xây thêm 5 gian nhà khách (mái bằng).

5.2. Di tích trong các thời kỳ kháng chiến:

Người dân Hồi Thuần, xã Hồi Ninh vốn có truyền thống yêu nước, tình thần đấu tranh bất khuất chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai nên khi thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình, nhân dân địa phương đã tham gia và ủng hộ phong trào kháng Pháp. Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh chống Pháp của những văn thân yêu nước, phong trào đấu tranh chống sưu thuế của phát xít Nhật (1944). Có thể nói, những cuộc đấu tranh trên chính là tiền đề, là cơ sở cho những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc rất sôi nổi, mạnh mẽ trong thời gian sau.

+ Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954):

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với vị trí địa lý xa khu dân cư, ở giữa cánh đồng dễ quan sát nên miếu làng Hồi Thuần cùng với miếu Tuân Hóa trở thành cơ sở hoạt động cách mạng và là nơi thành lập các tổ chức đầu tiên của xã Hoàng Thám (nay là xã Hồi Ninh), đây cũng là địa điểm thanh niên địa phương đến tập võ để chuẩn bị lực lượng chiến đấu với địch.

Ngày 25/8/1945, tại miếu làng Hồi Thuần lực lượng dân quân du kích của làng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân du kích của làng Tuân Hóa hưởng ứng cuộc mít tinh lớn về thành công của cách mạng tháng Tám.

Năm 1947, Trung đội du kích thôn Hồi Thuần do ông Phạm Văn Tú làm Trung đội trưởng được huấn luyện tại miếu làng Hồi Thuần.

Tháng 8 năm 1949, thực dân Pháp nhảy dù chiếm đóng Phát Diệm, chúng tăng cường binh lính lùng sục, rà soát, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, di tích là cơ sở hoạt động bí mật, cơ sở đi về, hội họp, chữa trị của các cán bộ cách mạng, là điểm tập kết của dân quân du kích và tiếp nhận thông tin để chuyển ra ngoài vùng địch hậu.

Ngày 10/10/1949, Chi bộ xã Hoàng Thám tổ chức Hội nghị bí mật ở miếu Tuân Hóa, lực lượng dân quân du kích xã tập trung tại miếu làng Hồi Thuần (hai miếu chỉ cách nhau khoảng 300m) được lệnh chuẩn bị luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.

+ Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975):

Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, miếu làng Hồi Thuần là cơ sở phục vụ các hoạt động công cộng của làng xã, địa điểm miếu làng tiếp tục được nhân dân tu sửa vừa là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Miếu làng là nơi đưa tiễn hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân giết giặc, là cơ sở tập luyện của du kích tập trung xã.

Các cán bộ cách mạng hoạt động tại địa phương, trong những năm tháng kháng chiến gian khổ có đồng chí Phạm Văn Đối (sau là Chủ tịch UBND xã), đồng chí Phạm Văn Tú (sau là Phó Chủ tịch UBND xã), đồng chí Nguyễn Công Toát (sau là Xã đội trưởng), đồng chí Nguyễn Văn Xương (Xã đội trưởng, sau là Bí thư chi bộ xã), đồng chí Đỗ Tạ (sau này là Chủ tịch UBND xã)…Nhờ có cơ sở cách mạng được nhân dân địa phương đùm bọc, bảo vệ an toàn nên các đồng chí cán bộ địch hậu có điều kiện thuận lợi để hoạt động và bảo toàn lực lượng.

Tất cả những sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích là chứng cứ lịch sử sinh động khẳng định hơn nữa giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã đi vào tâm thức của những người dân Kim Sơn nói chung và làng Hồi Thuần nói riêng.

5.3. Di tích trong thời kỳ hòa bình:

Trong bối cảnh đất nước hòa bình, kinh tế ổn định, phát triển, di tích trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân làng Hồi Thuần nói riêng và nhân dân xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn nói chung.

PHẦN V:  SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

Hồi Ninh là một xã giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, tại đây còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của nhân dân. Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như sau (tính theo Âm lịch):

1. Lễ Đầu năm (Rằm tháng Giêng): kết hợp ngày kỵ Hải Tề Long Vương. Đây là lễ cầu năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, cầu quốc thái dân an. Lễ diễn ra trong 2 ngày, có phần tế nam quan và nữ quan.

Ngày 14 tháng Giêng: buổi sáng nhân dân dọn dẹp khuôn viên di tích, lau rửa các đồ thờ tự. Buổi chiều tổ chức tế cáo yết. Ngày 15 là chính lễ. Buổi sáng, các đoàn tiếp tục dâng hương và tế lễ. Buổi trưa, tổ chức thụ lộc tại di tích. Buổi chiều nhân dân tổ chức tế tạ.

2. Tế Yến lão (tháng 2 hàng năm): đây là dịp để dân làng mừng các cụ thọ từ 70 tuổi trở lên. Quan niệm của người xưa, tuổi thọ là một trong ba điều hạnh phúc của con người. Nếu “lộc” là công danh chức tước, “phúc” là con cháu đề huề thì “thọ” chính là ước muốn sống lâu được mọi người quý trọng. Mặc dù qua thời gian với bao biến đổi song nghi thức “yến lão” vẫn được nhân dân duy trì và phát huy.

Nghi thức tế yến lão tổ chức tại di tích là một hình thức sinh hoạt văn hóa giàu truyền thống, bày tỏ sự kính trọng các bậc cao niên tôn sùng đạo hiếu, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

3. Ngày kỵ Đức Thánh Trần (20 tháng 8): di tích có thờ vọng Đức Thánh Trần, vì vậy vào ngày này hàng năm dân làng đều tổ chức tế lễ.

4. Ngày ky chiêu mộ Phạm Tồn (mùng 3 tháng 9): nhân dân trong làng tổ chức tế lễ.

5. Lễ Tất niên: nhân dân trong làng tới tế lễ.

6. Lễ Trừ tịch (đêm giao thừa): Đêm cuối tháng 12, nhân dân trong làng tới tế lễ, tổ chức đón giao thừa tại di tích.

Ngoài các lễ chính như trên, vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, các lễ tiết trong năm, nhân dân quanh vùng đến thắp hương cầu may. Trong làng thành lập 2 đội tế, đội nam quan và đội nữ quan, phục vụ trong các dịp tế lễ và tham gia tế ở các xóm lân cận.

PHẦN VI: KHẢO TẢ DI TÍCH.

1. Tổng thể: Miếu làng Hồi Thuần nằm trong một không gian văn hoá làng quê thanh bình, các kiến trúc được xây dựng hài hòa, tạo cảnh quan đẹp và thâm nghiêm. Di tích tọa lạc trên mảnh đất rộng giữa cánh đồng làng Hồi Thuần với diện tích 5859m2, cách xa khu dân cư.

Bên cạnh di tích là nhà khách (nhà giải vũ) kiến trúc 4 gian. Công trình được xây dựng vào năm 1997.

Phía trước miếu có hồ nước rộng làm minh đường, tạo cho không gian di tích thoáng đãng, sáng sủa.

Trên mặt bằng tổng thể, miếu Hồi Thuần gồm các hạng mục sau: Nghi môn, sân, 2 nhà giải vũ và công trình kiến trúc trung tâm (miếu).

Nghi môn: Quay hướng Bắc, xây dựng về phía bên trái miếu, theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, với ba cửa ra vào, cửa giữa rộng hơn hai cửa bên, không có hệ thống cánh cửa, vòm cuốn vành mai. Phần cổ đẳng nối giữa mái trên và mái dưới, mặt ngoài có nhấn 3 chữ quốc ngữ: miếu Hồi Thuần. Phía trên mái có lợp ngói vẩy, ở giữa là hình tượng quả lôi đang bốc lửa. Trên các đầu đao được uốn cong, trang trí hoa văn sóng biển.

Sân miếu: Có diện tích rộng, thuận tiện cho địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa và những dịp tế lễ của làng.

2. Kiến trúc:

Miếu làng Hồi Thuần được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (     ) gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Nhìn chung di tích còn giữ được những nét kiến trúc và các mảng chạm khắc thời Nguyễn cổ kính.

Toà Tiền đường: được trùng tu năm 2015, gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Tiền đường dài 9,35m, rộng 5,4m. Tại gian chính giữa Tiền đường, phía trên có treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán: “Thánh cung vạn tuế” dịch nghĩa: Cung kính thánh muôn năm. Tiền đường là nơi đặt các đồ khí tự: kiệu song hành, bát cống, hệ thống bát biểu, giá chiêng, giá trống, chuông, quán tẩy…nơi hội họp của dân làng trong những dịp chuẩn bị tế lễ.

Hiên miếu rộng 0,95m, dài 9,35m.

Toà Trung đường gồm 3 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Tòa Trung đường có đặt 3 ban thờ: ban thờ Công đồng, ban thờ Quan Bản thổ, ban thờ Chiêu, nguyên, thứ mộ. Trung đường dài 9,35m, rộng 4,45m.

Toà Hậu cung: phần tiếp giáp với Trung đường có 1 gian dài chạy dọc, tường hồi bít đốc. Chiều dài 4,95m, chiều rộng 3,65m, Hậu cung là nơi đặt ban thờ Hải Tề Long Vương.

Kiến trúc cụ thể như sau:

* Kết cấu nền: Nền được xây giật cấp, cao dần vào phía trong. Toàn bộ nền được lát gạch đỏ. Nền Hậu cung cao hơn nền Trung đường 2cm. Nền Trung đường cao hơn nền Tiền đường 2cm. Nền Tiền đường cao hơn nền sân 30cm. Bậc hiên xây nhị cấp, các bậc cách nhau 30cm.

* Kết cấu mái:

Toàn bộ mái của di tích được kiến trúc theo lối nhà ở truyền thống của người Việt (mái chảy), hệ mái lợp ngói vẩy.

Hiên tòa Tiền đường theo kiểu “bẩy hiên”, các bẩy hiên được kết nối với hệ thống cột gắn liền với ngưỡng cửa. Hiên được đỡ bởi 4 cột đá tiết diện tròn tạo thành mái hiên.

Tiền đường: hệ thống vì kèo bằng gỗ lim (gồm 4 bộ vì), kiểu thượng rượng hạ kẻ. Các cấu kiện hoành, xà, rui, mè đều bằng gỗ tứ thiết.

Trung đường: hệ thống vì kèo bằng gỗ lim (gồm 4 bộ vì), kiểu chồng rường giá chiêng. Các cấu kiện hoành, xà, rui, mè đều bằng gỗ tứ thiết.

Hậu cung: Mái lợp ngói vẩy, hệ thống vì kèo bằng gỗ lim, kiểu giá chiêng.

* Kết cấu thân nhà:

- Hệ thống tường: được xây bằng gạch, trát vôi vữa kiên cố.

- Hệ thống cột:

Hiên có 4 cột đá được xây dựng cân đối, tạo ra 3 ô cửa tương ứng với 3 gian nhà Tiền đường. Các cột đều được làm bằng đá có tiết diện tròn, trên thân cột có chạm trổ rồng, vân mây, đặt trên chân tảng đá thắt cổ bồng. Hai đầu hiên là 2 cột đồng trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, trên đỉnh cột có đắp đôi nghê chầu.

Tiền đường: có 3 hàng cột, mỗi hàng 4 cột gỗ lim có tiết diện tròn đặt trên chân tảng đá, một hàng cột gắn vào ngưỡng cửa tạo thành hệ thống cánh cửa. Hai hàng cột phía trong, trên thân cột đều treo hệ thống câu đối chữ Hán.

Trung đường: có 2 hàng cột, mỗi hàng 2 cột bằng gỗ tứ thiết có tiết diện tròn đặt trên chân tảng đá vuông.

- Hệ thống cửa:

Toà Tiền đường có ba cửa ra vào, đóng hộc ô, nẹp chỉ đều đặn, tạo bởi 4 cột gỗ lim, kích thước các cửa khác nhau, cửa giữa rộng 2,4m, cửa có 6 cánh, mỗi cánh rộng 0,4m. Hai cửa bên rộng 1,8m, cửa có 4 cánh, mỗi cánh rộng 0,45m, các cửa đều cao 1,8m. Cánh cửa bằng gỗ lim, cửa chân quay, then cài, thiết kế kiểu bức bàn. Ngưỡng cửa bằng gỗ, cao 0,4m.

Tòa Trung đường nối liền với Tiền đường, không có hệ thống cánh cửa, trên đốc tường có 2 ô cửa thoáng để lấy ánh sáng.

Tòa Hậu cung có 3 cửa bằng gỗ lim, các cánh cửa thiết kế kiểu bức bàn, cửa giữa rộng 1,35m, cao 2,05m, phía trước có đặt ban thờ nên ra vào Hậu cung bằng hai cửa nhỏ hai bên. Hai cửa bên, rộng 1,1m, cao 2,05m.

* Trang trí mái: Mái hiên, Tiền đường, Trung đường, Hậu cung được kết nối với nhau thành một khối.

+ Hai bên đốc mái là hai đấu nhỏ hình vuông.

+ Con kìm hai đầu bờ nóc là hình tượng hoa văn sóng biển

+ Bờ guột hai bên được xây giật cấp xuống đến mái hiên, để trơn không trang trí.

* Hoa văn chạm khắc:

Các mảng chạm khắc chủ yếu được thể hiện trên các đầu bẩy ngoài hiên và ván mê, vì kèo ở tòa Tiền đường, Trung đường, Hậu cung. Trên các bẩy hiên có chạm khắc: mộc hóa long, rồng vờn mây và trang trí hoa văn lá lật, mỗi đầu bẩy được chạm khắc hai mặt. Các ván mê của tòa Tiền đường được chạm khắc các chủ đề: mộc hóa long, mộc hóa phượng, hoa văn, đường triện. Trên các vì kèo tòa Trung đường đươc chạm khắc rồng, hoa văn lá lật, chữ Thọ. Vì kèo tòa Hậu cung được trang trí hoa sen, mộc hóa phượng, hoa lá cách điệu. Các mảng chạm khắc hài hòa, đắp nổi, đường nét mềm mại và sinh động.

Miếu làng Hồi Thuần mới được tu bổ gần đây, tuy nhiên vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính thời Nguyễn, các cấu kiện kiến trúc được trang trí cân đối, hài hòa trong từng bố cục công trình, các mảng hoa văn chạm khắc tinh xảo có giá trị về mặt thẩm mỹ và văn hóa.

3. Hướng di tích: Miếu làng Hồi Thuần được xây dựng quay hướng Đông Nam, các ban thờ trong di tích cũng quay theo hướng này.

4. Bài trí thờ tự trong di tích: Sơ đồ bài trí thờ tự chỉ mang tính khái quát, không gian thờ cúng và từng ban thờ cụ thể xem chi tiết tại tập ảnh khảo tả di tích kèm theo. Theo hướng nhìn từ ngoài vào trong, từ phải sang trái

 

PHẦN VIII: GIÁ TRỊ CỦA DI  TÍCH

Di tích là nơi thờ thần Hải Tề Long Vương, một nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương, liên quan đến truyền thuyết con rồng - cháu tiên. Trong tiềm thức người Việt, ông có công giúp dân lành chế ngự biển cả, cải tạo thiên nhiên khắc nghiệt, phù hộ quốc thái dân an. Tại miếu làng Hồi Thuần, ông được thờ với vai trò một “thành hoàng làng”, phù giúp nhân dân trong cuộc sống. Bổ sung vào hệ thống di tích thờ các vị thần liên quan đến thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Di tích được xây dựng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã diễn ra từ thế kỷ XIX. Chiêu mộ Phạm Tồn đã theo Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ và cùng với thủy tổ của các dòng họ đến đây khai hoang, lấn biển lập nên vùng đất mới. Khi đến khai khẩn vùng đất này, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các chiêu mộ trong đó có chiêu mộ Phạm Tồn đã thiết lập nên một đời sống tinh thần ổn định cho nhân dân, để họ yên tâm sinh sống trên mảnh đất mới, xây dựng quê hương ngày một trù phú, phát triển.

Tìm hiểu về di tích, chúng ta có cơ hội hiểu thêm về công cuộc khẩn hoang lấn biển, chiêu dân lập ấp của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ; về sự hình thành và phát triển của vùng đất mới Kim Sơn; về phong tục, văn hoá, nếp sống của nhân dân thời đó. Thông qua di tích, có thể thấy rằng các vị tiên hiền là những người có công đầu trong công cuộc khẩn hoang lập lên các làng, ấp. Các vị vừa là những người đứng ra chiêu tập dân chúng, chịu trách nhiệm trước nhà nước về công cuộc khẩn hoang, trực tiếp tổ chức điều hành công việc khẩn hoang, xây dựng các công trình trị thủy lấn biển ở vùng đất mới. Đồng thời, là những người đứng mũi chịu sào trước những khó khăn trở ngại để giúp mọi người có thể vượt qua và đứng vững với cuộc sống mới ở nơi khai hoang, sau khi hóa lại phù trợ nhân dân trừ tai diệt họa, giữ yên cho dân, công lao vô cùng to lớn. Bởi vậy, sau này nhân dân đều lập miếu, tạc bia thờ tự trang nghiêm, tôn thờ các vị làm phúc thần của các thôn, xã. Đây là tín ngưỡng dân gian độc đáo, mang tính bản địa của dân tộc ta. Phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tiền nhân có công với dân, lập làng, lập ấp, là một truyền thống ngàn đời của cha ông ta, thể hiện tinh thần nhớ ơn tổ tiên của nhân dân. Thờ cúng thành hoàng làng là một phong tục lâu đời của cư dân Việt, việc thờ cúng thành hoàng làng tại vùng đất mới là hiện tượng di dân, di thần.

Cuộc khẩn hoang của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ và các chiêu mộ đã mở đầu cho công cuộc chinh phục đất đai bỏ hoang và tạo phong trào khẩn hoang ở những triều đại sau này. Từ khi thành lập đến nay, huyện kim Sơn đã qua 7 lần tổ chức quai đê, lấn biển, trung bình mỗi năm bồi tụ tiến ra biển từ 80-100m [1].

Hiện nay, Kim Sơn là một huyện có mật độ đồng bào theo đạo công giáo đông nhất cả nước, chiếm 45% dân số toàn huyện. Đồng bào lương giáo đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển kinh tế xã hội, cùng nhau xây dựng quê hương, xóm làng ngày càng văn minh giàu đẹp.

Tìm hiểu về di tích, chúng ta có dịp tìm hiểu về truyền thống cách mạng của vùng đất có di tích. Làng Hồi Thuần nói riêng và xã Hồi Ninh nói chung là đơn vị có nhiều thành tích, đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến, làng Hồi Thuần đã có hàng trăm người con tham gia bộ đội chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tính đến nay, làng Hồi Thuần có 28 liệt sỹ hy sinh trong các cuộc kháng chiến (03 liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, 25 liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ), cống hiến một phần xương máu cho độc lập Tổ quốc, 02 bà mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Vũ Thị Hơn và mẹ Nguyễn Thị Huệ).

Làng Hồi Thuần được Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Kim Sơn công nhận là khu dân cư tiên tiến vào năm 2003 và là một trong những làng có truyền thống khuyến học, khuyến tài của xã Hồi Ninh. Các đoàn thể đều vững mạnh, hoạt động có hiệu quả.

Công trình kiến trúc miếu làng Hồi Thuần được xây dựng trên một khuôn viên rộng gồm các hạng mục: Cổng, sân vườn, nhà giải vũ, miếu. Miếu làng Hồi Thuần được xây dựng hơn 100 năm, tại miếu còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự quý như sắc phong của các triều đại nhà Nguyễn, khám, ngai , mũ thờ, bài vị, bát hương, nhang án… Điều này thể hiện ý thức cao trong việc giữ gìn những di sản văn hóa của người dân địa phương. Đó là những nguồn sử liệu quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu về quá trình hình thành, tồn tại của di tích. Kiến trúc của di tích về cơ bản còn giữ được những mảng hoa văn chạm khắc từ thời Nguyễn. Từ lâu, di tích đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng, góp phần giáo dục các thế hệ đời sau về truyền thống, nền nếp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, miếu làng Hồi Thuần là nơi diễn ra các lớp tập huấn, là địa điểm để thanh niên địa phương tập võ chuẩn bị lực lượng chiến đấu. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, miếu làng Hồi Thuần là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cơ sở tập luyện của du kích xã; nơi động viên đưa tiễn thanh niên lên đường tòng quân giết giặc.

Khai thác giá trị di tích: Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, ngoài việc phát triển kinh tế, xã hội thì việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân là mục tiêu quan trọng. Trong đó, các thiết chế văn hóa đóng vai trò then chốt. Việc bảo vệ, phát huy tốt giá trị của di tích sẽ góp phần phục vụ phát triển các thiết chế văn hóa ở nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

PHẦN IX: THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Trải qua thời gian, hiện nay công trình miếu làng Hồi Thuần đã có nhiều thay đổi nhưng các kiến trúc gần như còn giữ được nguyên trạng. Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân đã không ngừng quan tâm tu bổ để di tích ngày một khang trang, bền vững. Việc tu bổ luôn được nhân dân chú ý bảo tồn phong cách kiến trúc cổ truyền. Công tác bảo vệ di tích đặt dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền xã, và các bậc cao niên trong làng có uy tín đảm nhiệm nên đã không xảy ra tình trạng mất mát, làm sai lệch giá trị của di tích.

Về mặt pháp lý, di tích đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thửa số 3, tờ bản đồ số 3a, diện tích 5859m2, mang tên miếu Hồi Thuần, cấp năm 2003). Tại địa phương đã thành lập Ban khánh tiết, gồm 12 người, do ông Phạm Xuân Hồng và Nguyễn Văn Đông làm Trưởng ban. Ban Khánh tiết có nhiệm vụ trông coi, bảo vệ di tích, sưu tầm tư liệu liên quan đến di tích, tuyên truyền, vận động nhân dân công đức để tu sửa, tôn tạo và bảo tồn di tích ngày càng khang trang.

Hiện nay, di tích được Nhà nước và nhân dân quan tâm, bảo vệ tốt, nhằm phát huy tác dụng của di tích, góp phần giáo dục lòng tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước đối với các thế hệ con cháu.

PHẦN X. PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Qua thực trạng bảo vệ và khảo sát tại di tích, chúng tôi đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm bảo tồn bền vững di tích gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như sau:

- Chính quyền địa phương và ban khánh tiết phối hợp thành lập ban quản lý di tích. Việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích phải đảm bảo các quy định của Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Hàng năm, cần phát huy các nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống, nhằm giáo dục cho nhân dân địa phương về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng.

- Cần có biện pháp để bảo vệ, giữ gìn được những hiện vật có giá trị của di tích và giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của di tích.

- Thường xuyên duy trì sự hoạt động của Ban khánh tiết di tích, trong ban phải có người am hiểu lịch sử của địa phương và di tích để trực tiếp tham gia vào công việc tuyên truyền, phát huy giá trị của di tích.

XI. KẾT LUẬN

Xuất phát từ những giá trị của di tích, thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân xã Hồi Ninh, căn cứ Tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn tại văn bản số 95/TTr-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2018 về việc xếp hạng di tích miếu làng Hồi Thuần, xã Hồi Ninh; Căn cứ vào những giá trị khoa học, lịch sử của di tích, phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hoá và Thể thao) phối hợp với địa phương lập hồ sơ khoa học, trân trọng đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt xếp hạng di tích cấp tỉnh - tỉnh Ninh Bình xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận miếu làng Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

          XII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn – 1829, Đào Tố Uyên, Nguyễn Cảnh Minh. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kim Sơn. 2012.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

          3. Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Trương Đình Tưởng (cb), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.

          4. Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Nguyễn Tử Mẫn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.

          5. Lịch sử Đảng bộ xã Hồi Ninh (1948-2015), 2017.

          6. Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn (1947-2007), 2008.

          7. Lý lịch di tích đền thôn Đỗ, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, năm 1996.

          8. Lý lịch di tích đền thôn Đồng, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, năm 2005.

          9. Lý lịch di tích đền thôn Phạm, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, năm 2006.

          10. Lý lịch di tích đình làng Tức Hiêu, xã Kim Đinh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, năm 2010.

          11. Lý lịch di tích miếu Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, năm 2006.

          12. Tư liệu Hán Nôm hiện có tại di tích do phòng Quản lý Di sản văn hóa phiên âm và dịch nghĩa.

 

.

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 42132

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 49